Trọng tâm của việc phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.
Ngày 20/01/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025. Theo đó Chỉ thị có nêu: Năm 2023, bên cạnh việc bám sát quan điểm phát triển theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hệ thống chính trị; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động; luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành “giật cục”. Trọng tâm của việc phát triển là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; Chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách; tăng cường và đổi mới công tác quản lý báo chí; xây dựng đội ngũ nhân lực báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, có giải pháp hỗ trợ báo chí phát triển; kịp thời chấn chỉnh sai phạm trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm; coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, với thông điệp năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.
Tiếp tục phát huy mạnh mẽ những truyền thống tốt đẹp của ngành Thông tin và Truyền thông với việc cụ thể hóa 10 chữ vàng truyền thống của Ngành là “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình” và phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá” cho năm 2023. Cụ thể như:
Về lĩnh vực Báo chí, truyền thông: Xây dựng cơ chế chính sách làm cơ sở để các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương bố trí ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư để báo chí cách mạng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả về hạ tầng công nghệ và nhân lực. Tăng cường đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới trên cơ sở “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và tuân thủ luật pháp Việt Nam, bảo đảm chủ quyền đất nước và tính thượng tôn pháp luật của Việt Nam. Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách từ trung ương tới địa phương; thông tin, tuyên truyền nâng cao hiệu quả và sự đồng thuận của người dân, chú trọng và tập trung công tác truyền thông, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các sự kiện lớn của đất nước. Tuyên truyền và dẫn dắt, định hướng các mô hình hay, gương người tốt, việc tốt, cách làm mới và hiệu quả, góp phần truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và thị trường; kịp thời phản bác, chấn chỉnh, đấu tranh với các luận điệu sai trái; triệt phá, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, không đúng sự thật; từng bước tạo văn hóa số trên mạng. Năm 2023, triển khai thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028 thông qua thúc đẩy trách nhiệm truyền thông chủ động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; lan toả thông tin tích cực về Việt Nam, cải thiện hình ảnh, uy tín quốc tế của Việt Nam. Tiếp tục xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” MXH và biểu hiện “tư nhân hóa báo chí. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động báo chí. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của các Đài phát thanh, truyền hình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình. Rà quét, ngăn chặn kịp thời các thông tin xấu, độc, sai sự thật trên MXH, nhất là các MXH xuyên biên giới, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam về quản lý nội dung, quảng cáo, đóng thuế. Duy trì tỷ lệ ngăn chặn gỡ bỏ thông tin xấu độc trên các nền tảng xuyên biên giới đạt mức cao (trên 90%).
Giai đoạn 2024-2025, đề xuất các giải pháp tiếp theo để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Triển khai các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ mất cân đối trong thụ hưởng các sản phẩm báo chí giữa khu vực thành phố, thị xã và các vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, đạt mức 60%/40%. Đến năm 2025, 100% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận ít nhất một loại hình báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Thúc đẩy thông tin quảng bá để tăng thứ hạng hình ảnh quốc gia, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia được nhận diện có hình ảnh tốt về giá trị trải nghiệm - những giá trị tạo kết nối về cảm xúc, tinh thần về một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - với công chúng trong và ngoài nước để tăng đầu tư nước ngoài, tăng lượng khách du lịch đến Việt Nam, tăng giá trị sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam…
Lĩnh vực Xuất bản: Tích cực đổi mới nội dung, cách thức, quy trình triển khai các nhiệm vụ công tác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xuất bản, nhằm phục hồi và phát triển mạng lưới xuất bản, phát hành xuất bản phẩm, cũng như nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế của các nhà xuất bản sau đại dịch COVID-19 kéo dài, phức tạp. Định hướng giai đoạn 2024-2025, xây dựng nhiều đầu sách, bộ sách giá trị khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển.
Để triển khai hiệu quả các nội dung của Chỉ thị, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương thông tin, tuyên truyền toàn diện, đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương, xây dựng lòng tin và tạo sự đồng thuận của nhân dân tại địa bàn./.
BTL