Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng. Với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, báo chí có vai trò dẫn dắt, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số, cũng chịu sự tác động của quá trình chuyển đổi số nên sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung. Chính bởi lẽ đó, nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong cơ quan báo chí (đặc biệt đối với các cơ quan chỉ phân phối loại hình báo in hoặc báo điện tử) đáp ứng với tình hình mới, Vụ Khoa học và Công nghệ thực hiện việc nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm chuyển đổi số của các cơ quan báo chí quốc tế; của các cơ quan báo chí điển hình, thành công ứng dụng các công nghệ số của Việt Nam để xây dựng phiên bản đầu tiên của hướng dẫn định hướng khai thác, ứng dụng các công nghệ số trong cơ quan báo chí.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã biên soạn thành dự thảo tài liệu “Hướng dẫn ứng dụng, khai thác công nghệ số phục vụ chuyển đổi số báo chí” Quyển hướng dẫn này sẽ được cập nhật định kỳ theo xu hướng phát triển công nghệ, phần mềm ứng dụng và kinh nghiệm triển khai, nhu cầu ứng dụng công nghệ số của cơ quan báo chí. Với mong muốn các cơ quan báo chí cùng nghiên cứu áp dụng và tham gia đóng góp hoàn thiện để các kinh nghiệm, sáng kiến, ứng dụng mới được tổng hợp, chia sẻ cho cộng đồng làm báo. Thông qua việc khảo sát và phân tích việc ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực báo chí hiện nay ở trên thế giới và ở Việt Nam; đó là việc ứng dụng các công nghệ mới như công nghệ AI (trong việc tìm kiếm chủ đề, thu thập tin tức, viết tin bài, tương tác với độc giả); công nghệ VR/AR (trong trình bày, thể hiện nội dung); công nghệ Blockchain (trong việc xác thực nguồn tin, bản quyền tác giả)…
Đây có thể hiểu là những vấn đề cơ bản, được nghiên cứu, tổng hợp có tính chất sơ khởi để cùng khai thác, nghiên cứu và định hình việc ứng dụng một cách cụ thể trong thời gian tới. Để đồng bộ, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ mới trong mỗi tòa soạn đó là vấn đề thay đổi mô hình kỹ thuật của tòa soạn để phù hợp với tình hình mới. Đối với mỗi đơn vị tòa soạn báo, cần nghiên cứu, có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho việc đầu tư ứng dụng công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực, tái đào tạo hàng năm để nguồn nhân lực luôn được cập nhật những công nghệ mới từ đó tạo ra động lực áp dụng vào công việc để tăng hiệu quả. Đây cũng chính là vấn đề cần sự quyết tâm, chỉ đạo từ lãnh đạo cao nhất của các cơ quan báo chí./.
Đính kèm Hướng dẫn
BTL