Những thủ đoạn lừa đảo mới trên mạng và khuyến cáo của chuyên gia an toàn thông tin

Đăng ngày 11 - 07 - 2023
Lượt xem: 627
100%

 

Việt Nam hiện có hơn 77 triệu người sử dụng internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) cho người dân trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động Chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến". Chiến dịch triển khai từ ngày 23/6 đến 23/7/2023.

Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng

Khi các công nghệ mới xuất hiện, đối tượng tấn công mạng, lừa đảo cũng sẽ tìm cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất - đó là con người, áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản. Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư...

Những năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hàng chục nghìn vụ, đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại, internet, mạng xã hội. Nhiều đối tượng còn giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện qua giao thức internet (VoIP) hăm dọa người bị hại có liên quan các vụ án đang điều tra, yêu cầu chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng cung cấp hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP ngân hàng để kiểm tra, xác minh, sau đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.

Theo ghi nhận từ Cổng cảnh báo ATTT Việt Nam (địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn) năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.

Hiện nay có 3 nhóm lừa đảo chính, bao gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Các phương thức lừa đảo này nhắm vào đa dạng nhóm đối tượng như những người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, người lao động và nhân viên văn phòng.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Cục ATTT nhận thấy việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm ATTT trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững.

Khuyến cáo của chuyên gia an toàn thông tin

Qua nhiều vụ án cho thấy tội phạm lừa đảo qua mạng chủ yếu ở nước ngoài, nên công tác đấu tranh, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Bộ Công an đã tăng cường khuyến cáo người dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm; tăng cường lực lượng nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm.

Bộ Công an đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc nâng cao chất lượng định danh tài khoản điện thoại, tài khoản ngân hàng, từ đó, làm sạch toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu tài khoản ngân hàng, tiến tới các tài khoản ngân hàng phải được mở tài khoản chính chủ.

Bên cạnh đó, Bộ Công an tiếp tục tăng cường hợp tác về tư pháp quốc tế, tương trợ tư pháp với các nước để xử lý loại tội phạm sử dụng công nghệ cao có máy chủ đặt ở nước ngoài.

Các chuyên gia ATTT cũng chỉ ra một số biện pháp phòng ngừa người dân cần thực hiện:

- Không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại và địa chỉ của mình trên các trang mạng và cho những người không quen; kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền vào tài khoản của bất kỳ ai.

- Luôn kiểm tra địa chỉ website trước khi truy cập.

- Không mở các tin nhắn, email từ nguồn không rõ ràng.

- Không đưa tiền trước khi nhận được sản phẩm hoặc dịch vụ.

- Sử dụng các phần mềm bảo mật để bảo vệ thông tin cá nhân của mình.

- Luôn đề cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video qua các ứng dụng mạng xã hội với nội dung vay mượn tiền, chuyển tiền gấp.

- Liên hệ cơ quan chức năng khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo...

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động Chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến".

Chiến dịch triển khai từ ngày 23/6 đến 23/7/2023 dưới sự chủ trì Cục ATTT (Bộ Thông tin và Truyền thông), phối hợp cùng thành viên Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo ATTT cho người dân trên không gian mạng.

Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, các tip hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.

 

Tin liên quan

Phát triển thương mại điện tử(18/04/2024 9:11 SA)

UBND tỉnh triển khai công tác chuyển đổi số năm 2024 và Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh(27/03/2024 2:07 CH)

THÔNG ĐIỆP 5C CÙNG “TUỔI TRẺ TIÊN PHONG CHUYỂN ĐỔI SỐ”(10/07/2023 10:15 SA)

Phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận(25/04/2023 4:31 CH)

Sự khác nhau giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi số(27/03/2023 1:53 CH)

Tin mới nhất

Phát triển thương mại điện tử(18/04/2024 9:11 SA)

UBND tỉnh triển khai công tác chuyển đổi số năm 2024 và Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh(27/03/2024 2:07 CH)

THÔNG ĐIỆP 5C CÙNG “TUỔI TRẺ TIÊN PHONG CHUYỂN ĐỔI SỐ”(10/07/2023 10:15 SA)

Phát động Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2023 (VDA 2023) với chủ...(08/05/2023 9:23 SA)

Phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận(25/04/2023 4:31 CH)

31 người đang online
°